Hệ thống pháp luật Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ

Trước khi người Anh giành được Bengal vào giữa thế kỷ 18, hệ thống tư pháp khu vực này do Nawab của Bengal điều hành, ông tham gia các vụ án trong khung tội tử hành tại thủ phủ Murshidabad. Cấp phó của ông gọi là Naib Nāzim và tham gia giải quyết những vụ án ít quan trọng hơn một chút. Một hệ thống quan tòa được phân cấp có thẩm quyền với các vụ án thông thường, gồm có faujdār, muhtasil và kotwāl. Tại các vùng nông thôn, các zamindar—các lãnh chúa nông thôn có quyền kế tập về thu tiền thuê đất từ nông dân—cũng có quyền thi hành công lý. Họ ít phải chịu giám sát thường lệ, chỉ được yêu cầu báo cáo phán quyết trong các vụ án tử hình cho Nawāb.

Các Hiến chương Hoàng gia dần trao cho Công ty Đông Ấn nhiều quyền lực hơn trong việc thi hành công lý tại các đô thị thủ phủ Madras, Bombay và Calcutta. Theo hiến chương do Charles II cấp vào năm 1683, Công ty được trao quyền thành lập "tòa án tư pháp" (courts of judicature), mỗi tòa án bao gồm một luật sư và hai thương gia. Quyền này được gia hạn trong các hiến chương sau đó của James IIWilliam III vào năm 1686 và 1698. Tuy nhiên, vào năm 1726, Hội đồng quản trị của Công ty nhận thấy cần có thêm hệ thống tư pháp theo tập quán cho cư dân châu Âu tại các đô thị thủ phủ tỉnh, và kiến nghị Quốc vương thành lập Tòa án Thị trưởng (Mayor's Courts). Thỉnh cầu này được chấp thuận, mỗi tòa án thị trưởng có một thị trưởng và chín ủy viên hội đồng. Loại toà án này có thẩm quyền xét xử các vụ kiện giữa người châu Âu với nhau, được lập ra tại Pháo đài William (Calcutta), Madras và Bombay. Các phán quyết do tòa án thị trưởng đưa ra có thể được kháng cáo lên chính quyền cấp tỉnh, và khi số tiền tranh chấp lớn hơn 4.000 rupee thì có thể kháng cáo tiếp lên Xu mật viện Quốc vương (King-in-Council). Năm 1753, các tòa án thị trưởng được gia hạn, tòa án thỉnh cầu (Courts of Requests) được lập ra để xử các vụ kiện liên quan đến số tiền ít hơn 20 rupee. Cả hai loại tòa án đều do Hội đồng quản trị Công ty Đông Ấn quản lý.

Sau khi Công ty giành chiến thắng trong Trận Buxar, họ giành được Diwāni của Bengal vào năm 1765. Quyền này không chỉ có thu thuế mà còn gồm thi hành tư pháp dân sự tại Bengal. Tuy nhiên, việc quản lý tư pháp hình sự vẫn thuộc về Nawāb , và luật Hồi giáo vẫn được giữ nguyên đối với các vụ án hình sự. Tuy nhiên, Công ty cho thuê quyền liên quan đến Diwāni cho các quan chức Ấn Độ từng thực hiện chúng. Kiểu sắp xếp tạm thời này tiếp tục cho đến năm 1771 dù có nhiều xáo trộn, Hội đồng quản trị của Công ty sau đó quyết định trao cho Công ty quyền tài phán đối với cả vụ án hình sự và dân sự.

Warren Hastings đến Calcutta trong vai trò là Toàn quyền đầu tiên, ông quyết tâm cải tổ tổ chức của công ty, đặc biệt là các vấn đề tư pháp. Diwāni adālat (tòa án dân sự sơ thẩm) được thành lập tại mỗi huyện trong vùng nội địa (Mofussil). Người chủ trì các tòa án này là các thẩm phán Zilā châu Âu do Công ty tuyển dụng, người hỗ trợ giải thích luật tục Ấn Độ là các pandit đạo Hindu và các qazi Hồi giáo. Tuy nhiên, đối với những khiếu nại nhỏ, người xử lý là các hộ tịch viên (registrar) và ủy viên hội đồng (commissioners) người Ấn Độ, được gọi là Sadr Amīn và Munsif. Giám sát họ là các toà án dân sự phúc thẩm cấp tỉnh, mỗi tòa gồm bốn thẩm phán người Anh. Tất cả đều nằm dưới thẩm quyền của Sadr Diwāni Adālat, hay Toà án tối cao phúc thẩm dân sự (Chief Civil Court of Appeal), bao gồm thống đốc tỉnh và hội đồng của ông, có các quan chức Ấn Độ hỗ trợ.

Công ty thành lập các tòa án tư pháp hình sự (court of criminal judicature) cấp tỉnh tại vùng nội địa; bao gồm các quan chức tòa án Ấn Độ (pandit và qazi), do các quan chức của Công ty giám sát. Ngoài ra, còn thành lập các tòa án kinh lý (Court of circuit) có thẩm quyền phúc thẩm trong các vụ án hình sự, thường do các thẩm phán của tòa phúc thẩm dân sự chủ trì. Tất cả đều nằm dưới quyền quản lý của Sadr Nizāmat Adālat hay Tòa án tối cao phúc thẩm hình sự (Chief Court of Criminal Appeal).

Hạ viện khi này bắt đầu ngày càng giám sát công việc của Công ty Đông Ấn. Sau khi một ủy ban đưa ra báo cáo chỉ trích các tòa án thị trưởng, Quân chủ ban hành hiến chương về hệ thống tư pháp mới tại tỉnh Bengal. Quốc hội Anh ban hành Đạo luật Điều chỉnh năm 1773, theo đó Xu mật viện Quốc vương thành lập tòa án tối cao (Supreme Court) tại đô thị thủ phủ, tức là Pháo đài William. Tòa án bao gồm một chánh án và ba quan toà cấp dưới; tất cả bốn thẩm phán đều được chọn từ giới luật sư tố tụng. Tòa án tối cao thay thế tòa án thị trưởng; nhưng tòa án kinh lý vẫn tồn tại. Theo hiến chương, tòa án tối cao có thẩm quyền thi hành tất cả các loại quyền tài phán trong khu vực Bengal, Bihar và Odisha, chỉ khi số tiền tranh chấp vượt quá 4.000 rupee thì phán quyết của họ mới có thể bị kháng cáo lên Xu mật viện. Cả đạo luật và hiến chương đều không nói gì về mối quan hệ giữa nhánh tư pháp (tòa án tối cao) và nhánh hành pháp (toàn quyền); cũng không nói gì về Adālat (cả Diwāni và Nizāmat) do Warren Hastings tạo ra vào một năm trước. Trong tòa án tối cao mới, các vụ án dân sự và hình sự đều được diễn giải và truy tố theo luật Anh. Tuy nhiên, các thẩm phán và viên chức luật trong Sadr Adālat không có kiến thức về luật Anh. Theo lệnh của Toàn quyền thì họ chỉ được yêu cầu "tiến hành dựa theo tính công bằng, công lý và lương tâm tốt, trừ khi luật Hindu hoặc Muhammadan có quy định, hoặc một số Quy định được áp dụng rõ ràng".

Do đó, có khả năng tòa án tối cao và Sadr Adālats hành động đối lập nhau, và sẽ xảy ra nhiều tranh chấp. Nỗ lực quá sớm của Hastings trong việc bổ nhiệm Chánh án Elijah Impey làm quan toà của Sadr Diwāni Adālat chỉ làm tình hình thêm phức tạp.

Bản khắc màu về các thẩm phán và viên chức theo luật Hindu (hàng trên) và Hồi giáo (hàng dưới) trong Tòa án quan toà tại Bombay, 1805.

Đạo luật Tuyên bố (Declaration Act) năm 1781 của Quốc hội Anh bãi bỏ việc bổ nhiệm này. Đạo luật miễn cho nhánh hành pháp khỏi thẩm quyền của tòa án tối cao, công nhận Sadr Adālats tồn tại độc lập. Nó còn ngăn chặn các cuộc chiến pháp lý trong tương lai bằng cách không cho tòa án tối cao có thẩm quyền trong vấn đề thu thuế (Diwāni), hoặc các quy định của chính phủ do Quốc hội Anh ban hành. Tình trạng này tiếp tục đến năm 1797, khi có một Đạo luật mới mở rộng thẩm quyền toà án tối cao đến tỉnh Benares và mọi nơi trong tỉnh Bengal khi đó. Đến khi thành lập Các tỉnh được nhượng lại và chinh phục (Ceded and Conquered Provinces) vào năm 1805, thẩm quyền được mở rộng xa về phía tây đến tận Delhi.

Một quá trình thay đổi pháp lý tương tự diễn ra tại hai tỉnh còn lại là MadrasBombay. Tuy nhiên, các tòa án thị trưởng lúc đầu được nâng lên thành tòa án quan tòa (Recorder's Court) bằng cách bổ sung một thống sứ pháp lý (legal president). Các tòa án tối cao tại Madras và Bombay lần lượt được thành lập vào năm 1801 và 1823. Tỉnh Madras là nơi đầu tiên dựa vào trưởng lão làng và panchāyat để giải quyết các khiếu nại nhỏ. Hệ thống tư pháp này tại ba tỉnh tồn tại trong thời gian Công ty Đông Ấn cai trị, chỉ có thay đổi lớn vào năm 1861.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ https://books.google.com/books?id=o9sCEAAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=52aicl9l7rwC&pg=... https://books.google.com/books?id=d_J5DwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=8bqEzPPp8xIC&pg=... https://books.google.com/books?id=DJgnebGbAB8C&pg=... https://books.google.com/books?id=uzOmy2y0Zh4C&dq=... https://web.archive.org/web/20210501082716/https:/... https://web.archive.org/web/20191219213715/https:/... http://www.wolframalpha.com/entities/historical_ev... http://www.wdl.org/en/item/393/